Sẽ có nhiều người muốn tìm cách làm sữa chua nhanh nhất khi mà:
“Các loại sữa chua công nghiệp đang bán ở trong nước không giúp ích cho việc bổ sung lợi khuẩn trong điều trị rối loạn tiêu hóa cả” – theo Chuyên gia về ATTP – quản trị chất lượng Vũ Thế Thành
Giải pháp là chúng ta sẽ tự làm sữa chua tại nhà. Tuy vậy mọi người ngại làm vì lích kích và tốn thời gian.
Chuyện đó nay đã không còn !
Nhờ công nghệ vi sinh và kinh nghiệm nhiều lần làm hỏng của mình, đúc kết ra cách làm sữa chua nhanh nhất Quả Đất tại hướng dẫn này.
Ưu – nhược điểm của việc tự làm sữa chua
2 ưu điểm đầu tiên là
- Rẻ (3500đ/hộp so với 6500đ/hộp trên thị trường)
- Tốt cho tiêu hóa gấp 3-4 lần, cụ thể:
– Có 7 loại lợi khuẩn khác nhau: ở ruột, càng nhiều chủng thì ruột càng khỏe
– Lợi khuẩn có số lượng lớn, và là còn sống (tương tự những loại men tiêu hóa 20k/ống)
1 Nhược điểm là: mất công đọc và học cách làm nhưng nhờ vậy hướng dẫn này đã ra đời
Đọc xong bài này bạn sẽ biết: làm sữa chua chỉ hết 5 phút, bạn không nghe nhầm đâu… chỉ 5 phút.
Cách đây mới 3 năm (2021) cuộc sống của mình vẫn như là 1 quảng cáo thuốc đại tràng với câu cửa miệng “Cứ ăn đồ lạ là lại đi ngoài”. Mình bị ruột kích thích.
Không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng không dám cảm nhận các vị ngon trên đời.
Nhờ việc ăn sữa chua có lợi khuẩn, túc tắc 1 năm mình đã dần yên ổn, bụng dạ yên bình.
Vì thế nỗi sợ đi ăn hàng đồ lạ đã không còn, những bữa tiệc với bạn bè, người thân-yêu trở nên thoải mái hơn bao giờ hết.
Nhưng nếu tự mày mò làm không ai hướng dẫn, rất có khả năng bạn sẽ làm hỏng vài lần dẫn đến nản chí.
Chính vì thế, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm để bạn học cách làm sữa chua nhanh nhất chỉ trong 5 phút 👇
I. Thành phần quan trọng
1. Probiotics yogurt culture (men sống lợi khuẩn)
Đây chính là những con lợi khuẩn giúp ta lên men sữa tươi.
Đặt trên các trang thương mại điện tử là nhanh nhất (bạn có thể mua trên shopee hoặc lazada đều được)
Nên mua 1 vài gói trong trường hợp cần làm lại.
Sử dụng men lợi khuẩn của yogourmet có chứa 7 loại lợi khuẩn khác nhau.
Lưu ý bắt buộc phải có chữ “PROBIOTICS” còn nếu không dễ mua nhầm loại thường (chỉ gồm 2 nhóm lợi khuẩn)
2. Sữa tươi 1L tiệt trùng
Làm sữa chua nên chọn sữa tiệt trùng để tiết kiệm nhiều thời gian nhất
Tại sao? Chúng ta sẽ không cần đun để diệt các vi khuẩn có hại (chúng làm sữa không thể đông đặc)
Mình hay dùng loại sữa này tuy nhiên bạn có thể dùng bất cứ loại sữa tươi nào.
Không đường, ít đường, hay có đường tùy thuộc vào khẩu vị.
Tuy vậy nên dùng loại ít/không đường để lợi khuẩn phát triển tốt (vi khuẩn nói chung sợ muối, sợ đường)
Lưu ý: Nếu dùng sữa thanh trùng phải đun lại 1 lần. Đun để diệt những khuẩn không mong muốn tạo điều kiện cho lợi khuẩn phát triển.
Cập nhật tháng 5/2023: Mình đã phát hiện ra trên thị trường có sữa Cô gái Hà Lan 1L, hộp màu nâu cũng rất ổn. Đặc biệt mua ở siêu thị MecaMarket rất rẻ, không hiểu tại sao, chỉ 30k/L.
Lúc mua mình cũng đã phải WOW vì giá quá hời đi. Vậy là chỉ với 30k và tự làm 5 phút chúng ta sẽ có 10 hộp sữa chua rồi.
Sữa tốt là sữa có tỷ lệ sữa cao, nhờ đó mà khi làm sữa chua sẽ có độ đông đặc tốt hơn. Các bạn lưu ý nhé.
II. Dụng cụ
3. Hũ thủy tinh 100 – 200ml tùy vào nhu cầu
Gợi ý: loại này có thể xếp chồng lên nhau và chân rất vững. Tham khảo tại đây
Tuy nhiên sau 1 năm sử dụng, mình thấy hũ này không bền, vì nắp kim loại dễ bị rỉ sét do axit từ sữa chua. Nên mình khuyến khích bạn mua loại hũ nắp nhựa
4. Nồi ủ
Hãy mua 1 chiếc nồi ủ với giá 3.000.000đ
Và đùa thôi, điều đó là không cần thiết vì
Chỉ cần nồi cơm điện thông thường có thể ủ 10 hũ sữa chua được rồi.
Hoặc, bất cứ loại nồi nào có khả năng tạo nhiệt và kín nắp.
Mình dùng nồi cơm điện
Ví dụ như nồi áp suất cũng được. 🤜🤛
5. Không bắt buộc: Vá gỗ/thìa gỗ
Gỗ để cách nhiệt khi đổ sữa vào hũ và tạo sự thoải mái trong quá trình làm. Dùng muôi sắt cũng ổn nhưng dễ bị nóng và đổ sữa ra ngoài.
– Khi có đủ dụng cụ từ 1 – 4 chúng ta có thể bắt đầu được rồi, hãy sắp xếp thời gian để bắt đầu.
– Vì làm chỉ mất 5’ nhưng sau khi làm sẽ cần ủ 8-10 tiếng, làm buổi tối sáng ngủ dậy là hoàn thành.
Nếu cần hỗ trợ gì liên quan, hãy nhắn cho mình.
III. Chỉ trong 3 bước và 5 phút là xong
Comment nếu có bất cứ bước nào mà bạn chưa hiểu
Bước nền: Làm ấm sữa, đủ nhiệt độ
Đun nóng sữa hoặc sử dụng bát tô quay sữa trong lò vi sóng. Để tiết kiệm thời gian thì chúng ta nên dùng lò vi sóng.
Tại sao? Vì khi làm nóng sữa các protein trong sữa sẽ đông tụ, tưởng tượng nó giống như ta luộc trứng vậy, nhờ thế sản phẩm cuối sẽ có độ sánh đặc tốt.
Đậy nắp bát tô bằng đĩa hoặc bất cứ thứ gì kín, quay 2 phút ở chế độ TB-cao (cao hơn chế độ hâm nóng). Trong 2 phút đợi sữa thì chuẩn bị hũ đựng.
Sau khi làm nóng, bỏ sữa ra khuấy đều cho giảm nhiệt (khoảng 15 – 30 lần) và kiểm tra nhiệt sau mỗi 10 lần khuấy, để sữa đã đủ độ hay chưa:
Nhúng một đốt ngón tay út vào sữa, và đếm từ 1-10, nếu đến giây thứ 8 ta thấy nóng bỏng và phải rút tay ra đồng nghĩa với nhiệt độ tốt. (đo bằng nhiệt kế là hoảng 45°C)
Nếu làm bằng men lợi khuẩn giống mình thì có thể bỏ qua bước đun này
Bước 1: Chuẩn bị nồi ủ và hòa men cái (gói men)
Cắm trước nồi cơm điện cho đến khi chuyển sang chế độ ấm (nếu dùng nồi cơm thường thì khoảng 3 phút là đủ nhiệt)
Dùng 1 chiếc bát tô (hoặc bình có cổ rót) múc 2 muôi sữa ra để pha gói men Probiotics.
Khuấy đều cho đến khi tan hoàn toàn.
Cuối cùng trút toàn bộ sữa từ bình sữa tiệt trùng vào bát và khuấy đều 10-15 lần.
Bước 2: Ủ sữa chua
– Rót từ tô vào từng hũ nhỏ và đậy nắp ngay. (dùng bình có cổ rót sẽ tiện hơn)
– Sau đó mở nồi và xếp gọn vào trong.
– Đậy nắp nồi, bịt kín nút thoát hơi (nếu có) và RÚT ĐIỆN
Ủ kín trong nồi 9 tiếng tùy vào độ đặc và chua mong muốn (mình thường ủ 8 tiếng)
Nên làm vào buổi tối, rồi đi ngủ, sáng dậy là sữa chua đã ủ xong.
Để tìm ra độ đặc/chua mong muốn, có lẽ bạn sẽ cần làm khoảng 2-3 lần.
Ủ xong đưa sữa chua vào tủ lạnh, sau 5 tiếng là có sữa chua tự làm ngon lành để thưởng thức.
LƯU Ý
1. Đun sữa: Có thể đun sữa đến sôi. Phương pháp này tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng cho ra sữa chua đông đặc.
Nhược điểm là có thể bị mất một lượng chất đạm và làm bốc hơi giảm thể tích sữa.
2. Nhớ rút điện:
Cái gì quan trọng sẽ cần nhắc lại: Phải rút điện sau khi xếp sữa vào nồi nếu không lợi khuẩn sẽ chết và sữa không đông, ta sẽ phải tạo men khởi động mới để bổ sung.
Vì vậy, bạn nên mua 2 gói men cho lần thực hành đầu tiên.
3. Bảo quản: Ngăn mát. Sữa chua này có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh 10 – 15 ngày.
Nhưng ngon nhất là <10 ngày.
4. Tiết kiệm tiền: Lần làm sữa chua sau, ta có thể dùng chính sữa chua của lần trước (1 hũ) để làm men khởi động thay vì phải khuấy gói men mới. Nhưng nếu dùng gói men sẽ có lợi khuẩn tốt hơn.
5. Sửa lỗi: Nếu hết thời gian ủ (9 tiếng) sữa vẫn loãng, đậy nồi cắm điện 60s rồi rút ra và tiếp tục ủ.
Kiểm tra lại sau 1 tiếng. Nếu sữa vẫn chưa đủ độ đặc như ý thì lại lặp lại thêm bước khoảng 1-2 lần nữa.
Dấu hiệu sữa chua thành công
- Mở nắp thấy sữa sánh, nghiêng nhẹ hũ sữa không đổ ra ngoài
- Không bị tách nước trông như đậu phụ, sữa không nứt.
- Xung quanh chân sữa bám chắc, cầm vào hũ sữa còn ấm tay (như tay người yêu ^^)
Trong khi làm sữa chua bạn cần gì cứ hỏi TÚ nhé
CHÚC BẠN THÀNH CÔNG, THƯỞNG THỨC THÚ VUI NẤU ĂN VÀ CÓ MỘT SỨC KHỎE TỐT NHẤT
Mình sẽ cố gắng làm theo
Mình sẽ cố gắng làm theo.
Bài viết rất chi tiết, cụ thể