8 sai lầm khó nhận ra làm ta giảm cân chậm
Hiện nay nhiều người có khao khát giảm cân để phòng bệnh, thọn gọn vóc dáng, đặc biệt là ở những người thừa cân và chị em phụ nữ.
Tuy nhiên, hành trình giảm cân không dễ và ta có thể bị nản chí bất cứ lúc nào vì thấy kết quả đến chậm, đặc biệt khi sa chân vào 1 trong 8 “vế xe đổ”
Nhưng may mắn là với sự trợ giúp của khoa học chúng ta có thể tự xử chúng ngay mà không tốn 1 đồng. Và đó cũng là nội dung mọi người cần ghi nhớ sau khi đọc xong bài viết này.
Chúng ta sẽ đi qua 8 sai lầm khiến cân không giảm và cách tự xử lý chúng từ đó tạo lập thói quen tốt và không tăng cân trở lại. Mọi người sẽ ngạc nhiên vì chúng quá dễ xử lý và đem lại hiệu quả rất nhanh (chỉ trong vòng 2 tuần). Tất cả đều có tài liệu khoa học đi kèm phục vị việc tra cứu thêm.
1. Cách đốt mỡ tốt nhất không phải tập thể dục
Nếu ta còn đang nghĩ “tập thể dục, tập gym sẽ là cách đốt mỡ TỐT NHẤT” thì ta đã nhầm. Là 1 thứ dễ hơn
Tập nhiều không đồng nghĩa với đốt mỡ nhiều vì khả năng tập của một người là có hạn, và tập không đúng cách thì gây nhiều căng thẳng.
Tập luyện chỉ tạo điều kiện để ta đốt mỡ tốt hơn trong ngày. Bản thân việc tập luyện đốt ít mỡ.
Mỡ đốt khi cơ thể ở trạng thái vận động vừa phải, không gắng sức. Khi gắng sức, nguồn “xăng” chính của ta là đường glucose.
Nghiên cứu của Van Loon LJ năm 2001(1)
Tập luyện có chủ đích thường là tập luyện gắng sức và có sự gồng lên, cố gắng hoặc mỏi cơ.
Nói như vậy không có nghĩa tập luyện là vô dụng, mà là hãy thay đổi thái độ và tập thông minh hơn, không phải nhiều hơn. Nếu mọi người tập đúng cách chỉ 15 phút/buổi là đủ. Vậy tập thể nào để giảm được mỡ?
Đầu tiên cần hiểu “nguồn xăng chính” của cơ thể là glucose, chỉ khi nó gần cạn thì mới đến lượt mỡ. Thái độ đúng đắn với việc tập luyện là: để đốt đường và tạo cơ hội cho cơ thể sử dụng mỡ khi vận động nhẹ trong ngày.
Ngoài ra, tập kháng lực nên được đặt mục tiêu là để tăng các phần cơ quý giá và chống tăng cân trở lại (Theo Tiến Sĩ Daniel E. Lieberman tại đại học Harvard) thay vì tập để đốt mỡ. Ai có nhiều cơ thì đốt nhiều calo hơn, giống 1 chiếc xe được “Độ” động cơ, sẽ cần nhiều xăng hơn, nó “ngốn xăng” hơn. Nhưng mỡ lại là “bình xăng phụ“
Việc tập tạ quá, tần suất dày đặc không tốt như ta nghĩ, vì khả năng tập của 1 người là có giới hạn, khi tự tập không có người hướng dẫn bạn có thể tập quá sức. Kết quả là căng thẳng tinh thần khiến việc tập vừa kém đi (tập nhiều nhưng kém chất lượng) vừa làm tâm trí ngại VẬN ĐỘNG vì suy nghĩ: “Tôi đã tập mệt rồi mà”.
VẬN ĐỘNG NHẸ NHÀNG là cách đốt mỡ tốt nhất
Mấu chốt của đốt mỡ là lối sống năng động, làm việc nhà, đi bộ nhiều hơn… nếu bạn đứng yên, mỡ sẽ giảm cực chậm không cần biết bạn tập gym chăm như thế nào. Vẫn cần tập luyện không bỏ, nhưng cần tập đúng cách trong khoảng thời gian ngắn đủ để giảm glucose và sau đó vận động để đốt mỡ, đó mới là hướng đúng đắn.
Bạn có thể tham khảo con số vận động sau: 6000 bước/ngày.
Hãy coi việc vận động đạt số 6000 bước là 1 phần của lịch biểu hàng ngày vì đây mới là lúc đốt mỡ tốt nhất, không phải là khi vật vã trong phòng tập.
2. Bạn không biết rằng đốt mỡ mất nhiều thời gian nhất
Trong trường hợp bị đói bất ngờ thì mỡ dự trữ là cứu cánh tuyệt vời, nó duy trì sự sống cho chúng ta vì vậy nó phải có khả năng “gói” nhiều năng lượng nhất có thể trong “1 túi”
Đói bất ngờ ví dụ như khi ta đi leo núi cả ngày dài mà quên không mang theo đồ ăn, chỉ đến khi về điểm tập trung mới có chẳng hạn. Nếu lúc đó ta chỉ dùng đường thì toi mất.
Và để làm như vậy thì bản thân mỡ phải chứa nhiều năng lượng. Đây là yêu cầu của tạo hóa, chúng ta có thể tìm cách giảm mỡ nếu thừa, nhưng không thể thay đổi bản chất của mỡ. 1g mỡ ~ 9 kilo calo (kcal) tức là hơn gấp đôi so với tinh bột và chất đạm chỉ cho 4kcal/g
Trong cơ thể của ta, mỡ như là thỏi vàng. Rất nhiều năng lượng. Nhưng bạn biết đấy trước khi tiêu được vàng ta phải làm gì? Ta phải mất công, thời gian chuyển đổi nó thành tiền mặt, nhưng lại đổi được rất nhiều tiền. Tương tự mỡ đổi ra được rất nhiều năng lượng
✅ Ước tính theo đơn vị METs: Thông thường mỗi phút đi bộ sẽ đốt 3 – 5 kcal tương đương với 1g chất đường bột. Nhưng cùng 1 phút đi bộ đó sẽ chỉ đốt được 0,45g mỡ. Tức là nhỏ hơn nhiều. (thử nghiệm của Jetté.M và cộng sự năm 1990 (2))
Nếu ta đi bộ 60 phút cơ thể ta đốt hết 60g đường nhưng nếu cơ thể sử dụng mỡ thì ít hơn nhiều chỉ 27g. Cùng 1 thời gian cùng 1 hoạt động, mỡ đốt ít hơn, nên trọng lượng giảm chậm hơn.
✅ 1 gram mỡ cung cấp năng lượng gấp hơn 2 lần đường bột hoặc chất đạm. Cho nên thời gian để giảm mỡ cũng nhiều gấp đôi. Đó là chưa kể đến việc nếu ăn nhiều, mỡ cũ đốt chưa xuể thì mỡ mới đã được bồi thêm.
Khi bắt đầu 1 chế độ giảm cân, hãy xác định tinh thần kiên nhẫn. Vậy kiên nhẫn đến bao giờ? Mình đã tư vấn giảm mỡ thành công cho nhiều trường hợp (xem phản hồi của mọi người tại đây) và con số mình đưa ra là “2 tuần” là thời gian lâu nhất để bạn thấy hiệu quả đầu tiên.
Giả sử bạn tuân thủ chế độ giảm mỡ phù hợp, sau 2 tuần làm sao để bạn biết mình đã thật sự giảm rồi. Hãy đọc phần tiếp theo để hiểu rõ, khi mà CÂN NẶNG không thể nói lên tất cả.
3. Chỉ dựa vào cân nặng để kiểm tra kết quả giảm cân
Phương pháp kiểm tra kết quả giảm cân có ảnh hưởng lớn đến tâm lý và động lực.
Giả sử ta kiểm tra theo cách bất hợp lý chúng ta sẽ nản chí và sớm bỏ cuộc vì thấy mỡ lâu giảm. Thiếu sót nhất trong vấn đề này là “chỉ đo kết quả dựa trên cân nặng”
Cân nặng là 1 khối phức tạp. Gồm nước (cơ thể trên 50% là nước), thức ăn, chất thải, xương, khối cơ, nội tạng, mỡ, … Vì có nhiều thành phần nên nó dễ bị thay đổi, không ổn định và kém tin cậy.
VD: Chỉ cần uống 1 bình nước hoặc 1 bữa ăn ta đã tăng cân nhiều (0.5 – 1kg)
Mặt khác lượng mỡ giảm mỗi tuần thường nhỏ hơn con số trên, cho nên nếu chỉ dựa vào cân nặng ta sẽ thấy mình đứng yên. Hơn nữa ở phụ nữ, sự thay đổi sinh lý theo chu kỳ kinh nguyệt cũng làm thay đổi con số này.
Quá nhiều yếu tố phụ làm cân nặng thay đổi cho nên chế độ giảm cân không nên đo kết quả bằng duy nhất cân nặng.
Thay vào đó hãy chú ý đến những phần cơ thể hay tích mỡ ví dụ như: Lưng, ngực, cánh tay (phía sau), bụng quanh rốn, đùi, hoặc bắp chân,… chúng có giảm đi chút nào hay chưa?
Câu hỏi đặt ra là Dùng thước dây đo, nếu cánh tay (hoặc bất cứ vòng nào) của bạn giảm 1cm trong vòng 1 tuần, và liên tục trong 8 – 10 tuần như vậy, có gọi là giảm mỡ hay không?
Yes, it is, chắc chắn là như vậy rồi. Nên có ít nhất chỉ số ở 3 vị trí khác nhau để theo dõi sự giảm mỡ.
Khi mỡ giảm chắc chắn cân nặng sẽ giảm theo, chỉ cần nhẫn nại và duy trì những gì bạn đang thực hiện (1 – 2 tuần kế tiếp). Nhưng nếu chỉ dựa vào cân nặng, động lực sẽ nhanh chóng tiêu tan khi thấy số không giảm.
Cuối cùng: ngoài phương pháp đơn giản là dùng thước dây, sẽ rất tốt nếu bạn có 1 chiếc kẹp mỡ (fat calipers) nhưng yêu cầu có sự trợ giúp của người có kỹ năng đo.
4. Bạn ăn quá ít và thiếu chất
Bạn thấy mỡ giảm chậm vì bạn ăn ít, chuyện thật như đùa.
Nói đến việc giảm cân thì chúng ta thường nghĩ ngay đến câu thần chú Ăn ít hơn hao hoặc Calo ăn < Calo đốt, tuy nhiên chính nó có thể làm ta gặp vấn đề. Ăn ít đi làm tăng nguy cơ thiếu vi chất (những mồi lửa chuyển hóa) sớm muộn cũng làm giảm khả năng đốt mỡ của bạn.
Ăn ít làm cơ thể chúng ta đốt ít mỡ và năng lượng hơn bình thường.
Giống như điện thoại, khi nó có ít pin nó sẽ bật chế độ tiết kiệm.
Với cơ thể tiết kiệm có nghĩa là đốt ít mỡ và kìm hãm giảm cân.
Cơ thể luôn chống lại sự thay đổi đột ngột và quá mức.
Vậy như thế nào gọi là ăn quá ít và gây ảnh hưởng xấu đến việc giảm cân?
Sai lầm thường gặp dẫn đến ăn quá ít là đột ngột cắt bữa hoặc bỏ hẳn một chất nào đó, điển hình là tinh bột và chất béo. Một số ít trường hợp bỏ chất đạm, bỏ thịt cá.
- Bỏ tinh bột đi kèm với thiếu vitamin B1. Hậu quả não dễ bị stress, người uể oải do hồng cầu giảm chức năng và ngại vận động do cơ yếu (não, hồng cầu và cơ ưu tiên sử dụng năng lượng từ tinh bột).
- Cắt chất béo làm cơ thể khó hấp thu các vitamin quan trọng như vitamin A, D và khó đốt mỡ vì thiếu những chất béo dẫn như omega-3.
- Nhịn thịt, cá thì hiển nhiên là sự phí phạm, vì thịt cá có độ nhiệt thực phẩm (TEF) cao, khi ăn thịt cá cơ thể phải dùng năng lượng dự trữ (chủ yếu là mỡ) để tiêu hóa và hấp thu và dùng đạm.
- Vân vân và mây mây…
Tất cả những lý do trên đều góp phần cản trở bạn đốt mỡ vì vậy ĂN QUÁ ÍT cũng là 1 lý do khiến bạn thấy mỡ của mình giảm chậm.
Giải pháp là hãy ăn đủ 3 bữa không thừa, hoặc chí ít hãy giảm số bữa có kế hoạch, không đột ngột.
VD: hôm nay giảm 1 bữa, ngày mai ăn bình thường, ghi lại cảm nhận cơ thể và lặp lại cho đến hết tuần.
Nhưng hiệu quả chỉ đến khi bạn sử dụng thái độ kiên định và áp dụng phương pháp liên tục trong ít nhất 2 tuần và có sự đồng hành của Chuyên gia Dinh dưỡng.
5. Bạn quên mất điểm xuất phát của mình
Cùng mang trong mình ước muốn giảm cân, nhưng chúng ta có xuất phát điểm khác nhau do vậy tốc độ giảm cân cũng sẽ khác nhau.
VD bạn cao 160cm và nặng 65kg, bạn sẽ có tốc độ giảm chậm hơn người có cùng chiều cao, nhưng nặng 80kg.
Vì sao thế? Người có cân cao hơn sẽ đốt nhiều năng lượng hơn, giảm cân, mỡ nhanh hơn. Nếu bạn đeo thêm 15kg tạ suốt cả ngày, có thể tốc độ giảm sẽ là tương đương.
Khuyến nghị của các chuyên gia uy tín (4) đó là chỉ nên giảm 1% cân nặng cơ thể mỗi tuần để đảm bảo sự bền vững và an toàn cho sức khỏe. 1% của 65kg hiển nhiên là thấp hơn 1% của 80kg.
– Mình luôn khuyến khích mọi người tìm bạn đồng hành trong quá trình giảm cân, nhưng đừng vì ăn – tập cùng thời điểm mà nghĩ rằng mình sẽ giảm ngang bằng hoặc nhanh hơn người kia. Vì mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, chưa kể đến:
– Có thể trước đây bạn đã từng giảm nhiều cân và tăng lại, còn họ thì không.
– Có thể họ có chất lượng giấc ngủ tốt còn bạn thì không (vì tiếng ồn, vì nhiệt độ,…)
– Có thể họ tập luyện và đi bộ đến chỗ làm còn bạn chỉ tập luyện thôi (vận động đốt mỡ vô hạn)
…
Và nhiều vấn đề xung quanh khác nữa, mà bạn nên nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng để tìm và giải quyết triệt để.
Lần tới nếu thấy giảm cân chậm hoặc lâu thấy kết quả, hãy tự hỏi xem xuất phát điểm của bạn ở đâu và bạn đang so sánh mình với ai.
BMI của bạn càng thấp, tốc độ giảm của bạn càng chậm nhưng nếu bạn đã ăn – ngủ – tập hợp lý, thì hãy kiên nhẫn cho hết 2 tuần đầu.
6. Chém đẹp chất béo
Chất béo – dầu – mỡ – fat chỉ chung một nhóm chất, chúng ta thường xử đẹp (cắt hoàn toàn) chúng khi bắt đầu một chế độ giảm cân. Như vậy thật không hợp lý chút nào, đây là lý do tại sao:
Người ta nói rằng: “ăn mỡ thì tăng mỡ nhanh nhất” đúng nhưng chưa đủ.
Chiều ngược lại mà đa số tin tưởng thì không đúng: bỏ hẳn mỡ thì giảm mỡ nhanh nhất
Dầu, mỡ trong thực phẩm có cấu trúc triglyceride giống dạng trong cơ thể người vì vậy nếu ăn thừa thì tăng mỡ nhanh nhất là chắc chắn. Nhưng… đó chỉ là 1 mặt của đồng xu.
Mặt còn lại, nếu cắt hoàn toàn chất béo gây ra thiếu hụt (đặc biệt là chất béo động vật) thì bữa ăn sẽ không đủ no (khiến bạn thèm ăn linh tinh) và gián tiếp làm chậm tốc độ (khó hấp thu vitamin tan trong dầu).
Nếu bạn thừa cân, kiêng mỡ nhưng hay bị đói thì việc cắt mỡ của bạn đang mang nhiều hại hơn lợi. Điều đó không tốt cho giảm mỡ.
Thiếu chất béo kém hấp thu vitamin A, D gián tiếp làm giảm tốc độ giảm mỡ
Tiếp đến, việc ăn ít chất béo sẽ khiến cơ thể không thể thu nạp vitamin A, vitamin D vì chúng chỉ tan trong chất béo, tan được thì mới hấp thu được. Đây là 2 chất quan trọng trong chuyển hóa và vận động.
Ăn thiếu chất béo trực tiếp dẫn đến thiếu vit A, D vì không hấp thu được dù ăn đủ. Chuyển hóa và khả năng vận động vì thế sẽ giảm sút trong khi đây là 2 yếu tố trực tiếp dẫn đến giảm mỡ.
Chưa kể vấn đề về hormone vì cholesterol là gốc của nhiều hormone steroid, cortisol, nam, nữ,… những hormone này phần lớn đều có tác dụng báo cho cơ thể tăng cường đốt mỡ.
Vấn đề này hay gặp nhất khi ta chững cân. Đừng kiêng chất béo nếu không điều đó xảy ra
Hãy ăn vừa đủ chất béo và không làm ảnh hưởng đến quá trình giảm mỡ.
Đủ chất béo là khi chúng chiếm ~15% tổng năng lượng trong chế độ ăn, trong đó, một nửa nên là chất béo động vật. Đương nhiên sẽ có khác biệt nhỏ giữa mỗi người, mỗi mức độ hoạt động, hoàn cảnh (ví dụ hoạt động sức bền sẽ cần nhiều hơn)
Nếu một ngày bạn ăn 1500kcal, chất béo nên chiếm 270kcal tương đương với 6 thìa dầu/mỡ mỗi ngày. Làm như vậy bạn sẽ không gặp phải tình trạng thấy cân giảm chậm vì thiếu chất, chất béo.
7. Ăn vặt khi không đói
Cần phân biệt giữa đói thật sự và đói do kích thích. Chúng ta hay bị quấy rầy bởi những cảm giác thèm ăn suốt cả ngày, nhưng chỉ số ít trong chúng là tín hiệu thiếu chất hay nguy hiểm (Hạ đường huyết)
Có 2 trạng thái của cơ thể xung quanh bữa ăn đó là trạng thái tích trữ và trạng thái tiêu hao. Khi ăn cơ thể tiếp bắt đầu bước vào trạng thái tích trữ. Càng nhiều lần trạng thái tích trữ được kích hoạt thì khả năng đốt mỡ càng giảm vì sự góp mặt của hormone insulin.
Insulin không gây béo như nhiều người lầm tưởng, nhưng nó ngăn ta sử dụng mỡ và có thể vô tình tạo cảm giác đói do hạ đường huyết phản ứng (reactive hypoglycemia) vì vậy ăn lai dai trở thành kẻ thù của quá trình giảm cân.
Lý do thực sự khiến chúng ta ăn vặt là:
- Chúng ta ăn vặt vì thói quen đã có từ lâu
- Bị kích thích từ bên ngoài do hình ảnh đồ ăn hoặc do sợ bị hạ đường huyết.
- Do các yếu tố tâm lý khác (đọc thêm ở các bài viết sau)
Khó trị nhất là thói quen ăn vặt. Nếu quyết tâm bỏ nó ngay thì hiệu quả giảm mỡ sẽ đến nhanh chóng (trong vòng 1 tuần) nếu không chí ít hãy thay thế những món chè, trà sữa, bánh ngọt bằng các loại ít calo hơn như sữa, sữa chua, phô mai.
Cảm giác đói hướng ta đến ăn vặt sẽ khó xảy ra nếu bữa trước ta có ăn đủ chất đạm (khoảng 100 – 150g thịt cá) và lượng rau tốt (khoảng 1 bát con đầy).
Ăn vặt do kích thích từ bên ngoài cũng là một vấn đề nan giải. Thời hiện đại chỉ cần lướt 1 cái là chúng ta sẽ thấy đồ ăn ngập tràn trên mạng xã hội… không bị kích thích thì hơi phí.
Nhưng “sẽ không có tội lỗi nếu loại trừ được cám dỗ” chúng ta buộc phải tránh tiếp xúc với những hình ảnh, video về những món ăn ngon trong suốt khoảng thời gian giữa các bữa ăn.
Hoặc ta có thể tự đặt ra quy tắc cho mình khi thèm ăn đó là: “được tôi sẽ ăn món này, nhưng tôi sẽ ăn nó sau khi ăn bữa chính” Đây là một hành động tốt mà mình luôn ủng hộ. Đã ăn thì không sợ nhưng ăn đúng lúc, đã ăn thì nên ăn bữa lớn, không nên ăn lai rai.
8. Đã từng giảm cân nhiều lần trước đây
Một món ăn thường ngon nhất trong lần đầu tiên tương tự 1 chế độ giảm cân có hiệu quả tốt nhất trong lần đầu tiên, ở những lần sau, khó hơn rất nhiều. Trừ khi ta biến chúng thành thói quen.
– Cơ thể sẽ dự trữ nhiều mỡ hơn sau 1 thời gian thiếu ăn (giảm cân nhờ thực đơn hà khắc), đây là 1 bước phòng vệ để dự trữ cho lần đói ăn tiếp theo. (theo nghiên cứu của Higginson năm 2016 [5])
– Nghiên cứu trên động vật cho thấy, việc tăng rồi lại giảm tạo một phản ứng miễn dịch trong mỡ khiến chúng ta khó dùng được mỡ hơn. Đã từng đầu tư vàng mức sạt nghiệp thì lần sau ta sẽ tiết kiệm, cẩn trọng và cần nhiều thời gian cân nhắc hơn. Với mỡ cũng vậy. (nghiên cứu của Anderson-Baucum EK năm 2014 [6])
– Hệ khuẩn ruột cũng đóng vai trò quan trọng. Việc lặp lại vòng quay tăng cân – giảm cân thúc đẩy sự thay đổi ở hệ khuẩn ruột, nhưng vi khuẩn kích thích cơn đói, thèm ăn, ưa tinh bột hấp thu nhanh, chất béo… sẽ phát triển mạnh. Dẫn đến tăng cân trở lại về sau. (nghiên cứu của Thaiss trên tạp chí Nature năm 2016 [7])
Vậy bạn có nghĩ dùng thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân, trà detox có tác dụng ngắn hạn là một phương pháp tốt nữa hay không? Một khi ngừng, cân sẽ tăng trở lại và lần sau khó giảm hơn lần trước.
Nếu không có phương pháp giảm cân với độ khó vừa phải, hợp với lối sống và biến chúng thành thói quen lâu dài, ta sẽ ngụp lặn trong vòng xoáy giảm rồi lại tăng, cả đời.
Vậy nên hãy dành thời gian nói chuyện với Chuyên gia Dinh dưỡng để thảo luận và xem đâu là cách vừa hợp lý – tức là đúng theo các lập luận khoa học, vừa hợp tình – tức là đúng theo tâm lý, thói quen, lối sống của bạn. Đó là khi bạn sẽ giảm cân và duy trì mãi mãi.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến sức khỏe của chính mình mong là có thể được đồng hành cùng bạn trên hành trình tuyệt vời này.
– Biết về 8 sai lầm thường gặp trong giảm cân và tác hại của chúng
– Hiểu được thêm một số cơ chế tâm lý trong giảm cân
– Thêm vào đó bạn đã khám phá ra những cách để xử lý trong thực tế
Nếu hiện tại bạn vẫn đang cảm thấy việc giảm cân của mình quá chậm, hãy lưu ý và bắt đầu áp dụng những cách phù hợp để thoát ra khỏi lối mòn mà bạn đã hoặc đang đi và chỉ trong vòng khoảng 2 tuần căn chỉnh bạn thu được kết quả rõ ràng nhất từ trước tới giờ.
Còn nếu bạn vẫn chưa tự tin hoặc gặp quá nhiều sai lầm và không biết phải xử lý cái nào trước, hãy dành thời gian trao đổi cùng chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên phù hợp nhất với khả năng của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm đến sức khỏe của chính mình!
Xem thêm tại:
Fanpage: https://Facebook.com/homefit.expert
Facebook cá nhân: https://Facebook.com/anhtu.nutrition
SĐT: 089 668 9081 – Zalo cùng số này.
Tài liệu khoa học tham khảo
- van Loon LJ, Greenhaff PL, Constantin-Teodosiu D, Saris WH, Wagenmakers AJ. The effects of increasing exercise intensity on muscle fuel utilisation in humans. J Physiol. 2001 Oct 1;536(Pt 1):295-304. doi: 10.1111/j.1469-7793.2001.00295.x. PMID: 11579177; PMCID: PMC2278845.
- Jetté M, Sidney K, Blümchen G. Metabolic equivalents (METS) in exercise testing, exercise prescription, and evaluation of functional capacity. Clin Cardiol. 1990 Aug;13(8):555-65. doi: 10.1002/clc.4960130809. PMID: 2204507.
- Guyton and Hall Textbook of Medical Physiology – 12th edition 2006
- Clinical Guidelines on the Identification, Evaluation and Treatment of Overweight and Obesity in Adults – The Evidence Report – NIH Publication no. 98-4083 SEPTEMBER 1998 NATIONAL INSTITUTES OF HEALTH
- Higginson AD, McNamara JM. An adaptive response to uncertainty can lead to weight gain during dieting attempts. Evol Med Public Health. 2016 Dec 5;2016(1):369-380.
- Anderson-Baucum EK, Major AS, Hasty AH. A possible secondary immune response in adipose tissue during weight cycling: The ups and downs of yo-yo dieting. Adipocyte. 2014 Apr 1;3(2):141-5.
- Thaiss, C., Itav, S., Rothschild, D. et al. Persistent microbiome alterations modulate the rate of post-dieting weight regain. Nature 540, 544–551 (2016).